Quá trình phát triển

12/11/2015 19:44 Số lượt xem: 4954
 
 
Địa chỉ: Số 8 - Đường Lý Thái Tổ - Thành Phố Bắc Ninh
 
 

Ngày 14 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo phát triển nông nghiệp nước nhà. Trải qua các thời kỳ phát triển của cách mạng, mỗi thời kỳ với những tên gọi khác nhau, ngày 18 tháng 6 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 14-11 hằng năm là ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh (tiền thân là Ban quản lý ruộng đất, Ty Trồng trọt, Ty Nông nghiệp) được thành lập theo quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 26-8­1996 của UBND tỉnh Hà Bắc trên cơ sở sáp nhập 3 Sở: Nông Nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi.rong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, nông nghiệp, nông thôn Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đã phát huy điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng đất đai, khí hậu gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ thâm canh trong sản xuất, từng bước gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa của tỉnh. Cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, một số mô hình họp tác sản xuat, liên kêt chê biên, tiêu thụ nông sản đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

Sau 22 năm, kể từ khi tái lập tỉnh Bắc Ninh, tháng 01 năm 1997, Ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Bắc, tiếp tục thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực: nông nghiệp; lâm nghiệp; thuỷ sản; thuỷ lợi; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thuỷ sản; về các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định pháp luật và đã có những bước phát triển mới, mạnh mẽ. Bộ máy tổ chức của Sở và toàn ngành đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở để làm tốt chức năng quản lý nhà nước trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở đã được kiện toàn với 5 phòng chuyên môn; 6 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành; 3 đơn vị sự nghiệp; 2 doanh nghiệp công ích đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Các huyện, thị xã, thành phố đều có phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế, trạm  Hạt quản lý đê, Xí nghiệp thủy nông và Hạt Kiểm lâm liên huyện; cán bộ khuyến nông được bố trí đến từng xã; hệ thống nhân viên thú y được bố trí đến từng thôn. Với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành trên 1500 người, trong đó có trên 130 công chức, 220 viên chức, trên 1200 người lao động; toàn ngành có 3  tiến sĩ, trên 100 thạc sĩ, trên 500 cán bộ có trình độ đại học.

Mười tám năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh liên tục phải đối mặt với những khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, thị trường,... đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Nhưng, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, chúng ta rất tự hào về một ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt lên khó khăn, tiếp tục có bước tăng trưởng toàn diện, liên tục và ổn định góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng của Tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 18, từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với hàng loạt các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn được triển khai bước đầu đạt hiệu quả đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; cơ bản hoàn thành công tác “dồn điền, đổi thửa”; đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo điều kiện để tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất, bảo quản và chế biến; nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; bước đầu hình thành nông nghiệp đô thị, doanh nghiệp nông nghiệp và liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) tăng từ 6.995 tỷ đồng năm 2010 lên 7.350 tỷ đồng năm 2015. Cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng giá trị chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; năm 2015, trồng trọt 39,8%; chăn nuôi - thủy sản 52,9%; lâm nghiệp và dịch vụ 7,3% (năm 2010 tỷ lệ tương ứng là: 43,4% - 50,8% - 5,8%).

Trong lĩnh vực trồng trọt, mặc dù diện tích gieo trồng liên tục giảm qua các năm để phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đến nay còn 87.584 ha, song do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh, cơ giới hóa đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất; giá trị sản xuất trồng trọt trên 1ha đất canh tác năm 2015 ước đạt 100,1 triệu đồng (tương đương mục tiêu đại hội đề ra và tăng 14,5% so với năm 2010, bình quân 2011-2015 tăng 57,3% so với bình quân giai đoạn 2005-2010); năng suất lúa bình quân 2011-2015 đạt 61,3 tạ/ha.

Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao như vùng lúa nếp thơm tại thị xã Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du; vùng lúa tẻ thơm tại Quế Võ, Thuận Thành, Lương Tài; vùng lúa năng suất cao tại Gia Bình; các vùng sản xuất cây thực phẩm chuyên canh như vùng khoai tây tại Quế Võ, Yên Phong; vùng cà rốt tại Lương Tài, Gia Bình; vùng hành tỏi, bí xanh, bí đỏ tại Gia Bình, Lương Tài; vùng rau xanh an toàn tại Tiên Du, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh, Yên Phong, Thuận Thành; vùng trồng hoa, cây cảnh tại Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, thành phố Bắc Ninh...Một số vùng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: sử dụng hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt.

Trong sản xuất chăn nuôi, đàn vật nuôi được cải tiến, nâng cao theo hướng năng suất, chất lượng. Phương thức chăn nuôi chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ, tăng chăn nuôi gia trại, trang trại, hình thành những vùng chăn nuôi tập trung lớn. Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về giống, thức ăn, chuồng trại, xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh đã được ứng dụng nhiều vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi tập trung, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó có 6 doanh nghiệp chăn nuôi trực thuộc Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu “sản xuất giống - thức ăn - nuôi dưỡng - giết mổ, chế biến - phân phối” với hình thức chăn nuôi gia công đã và đang phát triển ở nhiều nơi với gần 20 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cũng đã được nhiều tổ chức, cá nhân ứng dụng vào chăn nuôi gia súc, gia cầm: có 35 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động, trong đó có 01 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 03 cơ sở chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống. Các tiến bộ trong lai tạo giống vật nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể bioga, chế phẩm vi sinh; công nghệ tự động hóa trong nuôi gà đẻ trứng cũng được áp dụng.

Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được triển khai một cách chủ động, tích cực vì vậy một số dịch bệnh nguy hiểm như: dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc đã cơ bản được khống chế. Số ổ dịch xuất hiện qua các năm giảm cả về quy mô và mức độ gây hại.

Sản xuất thủy sản ổn định về diện tích, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, năm 2015 diện tích nuôi đạt 5.450ha; giá trị nuôi trồng thủy sản tăng từ 162 triệu đồng/ha năm 2010 lên 228 triệu đồng/ha năm 2015 (tăng 40%). Sản xuất thuỷ sản đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cao gấp 1,3- 3 lần/ha canh tác so với độc canh cấy lúa. Bước đầu hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung với 167 vùng có diện tích từ 10ha trở lên tập trung ở các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ… với diện tích khoảng 3.290ha. Diện tích nuôi cá thâm canh đạt khoảng 1.860ha, chiếm khoảng 34,5% với các đối tượng nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao như: cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá chép lai...Ngoài ra, từ năm 2000 đến nay, nhiều địa phương đã nuôi thành công cá lồng trên sông Đuống, sông Thái Bình, đã mở ra một nghề mới trong nuôi trồng thuỷ sản góp phần đa dạng hình thức và đối tượng nuôi, cung cấp các sản phẩm thuỷ sản có chất lượng, giá trị kinh kế cao đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng như: cá điêu hồng, cá lăng chấm, cá trắm dòn và cá chép dòn… với số lượng 665 lồng, năng suất cá nuôi đạt 4 - 6tấn/lồng.

Sản xuất lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có 645,3 ha đất lâm nghiệp được quy hoạch cho mục đích xây dựng rừng phòng hộ gắn với cảnh quan môi trường. Đến nay toàn bộ diện tích trên hầu hết đã được trồng rừng phủ xanh và từng bước được trồng rừng nâng cấp, đáp ứng tốt chức năng phòng hộ, chống xói mòn và cải thiện cảnh quan môi trường, tiến tới xây dựng thành rừng bền vững với nhiều loài cây bản địa có giá trị cao về cảnh quan, kinh tế. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy ước bảo vệ rừng ở các thôn, khu dân cư có rừng, đến nay 40 thôn, khu dân cư có đã có quy ước bảo vệ rừng và thực hiện trong cộng đồng dân cư khá tốt.

Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư, với tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 trên 3000 tỷ đồng. Nhiều công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng theo hướng đa mục tiêu, tiêu biểu như: Dự án trạm bơm Hán Quảng, trạm bơm Cầu Móng, trạm bơm Trịnh Xá, dự án cải tạo, nâng cấp đê tả, hữu Đuống, hữu Thái Bình,... Các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng vào việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp và đời sống dân sinh.

Tích cực thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất; đầu tư hệ thống hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi, nước sạch, vệ sinh môi trường, thiết chế văn hóa; 100% xã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết; đến năm 2015, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của tỉnh Bắc Ninh là 15,71 tiêu chí/xã, là một trong 10 tỉnh có số tiêu chí đạt mức độ cao trong cả nước. Bình quân cả nước năm 2014 đạt 10,5 tiêu chí/xã, khu vực Đồng bằng Sông Hồng đạt bình quân 13,25 tiêu chí/xã. Đến nay, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; dự kiến đến hết năm 2015 có 35 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Đánh giá chung, ngành nông nghiệp và PTNT đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái chung của cả tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng như: Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2007, năm 2014; Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2012; Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh giai đoạn 2011-2015. Nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010 và Huân chương Lao động hạng Nhất đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành năm 2015. 

Có được những kết quả và thành tích nêu trên là do sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT; sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cán bộ ngành Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và tạo điều kiện để hình thành nền nông nghiệp sạch. Nông thôn Bắc Ninh phải có cơ cấu kinh tế hợp lý gồm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ngành ngề và dịch vụ, có quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, thu nhập, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao, nông thôn giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh.

Một số mục tiêu cụ thể của ngành Nông nghiệp và PTNT cần phấn đấu theo tinh thần Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, giai đoạn 2015-2020 là: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 0,8%. Đến năm 2020, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng GDP chiếm 2,6%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 60%; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; Cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 25%.

 Để đạt được các nhiệm vụ và mục tiêu trên đây toàn ngành chúng ta sẽ phải nỗ lực rất cao. Thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn, thử thách cũng rất lớn. 5 năm tới, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung cao độ để tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19. Toàn ngành sẽ kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời huy động mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn; tiếp tục duy trì sự tăng trưởng toàn diện, tạo ra bước phát triển mới, mạnh mẽ về sản xuất, việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, một lần nữa cho phép tôi thay mặt toàn thể cán bộ công nhân viên chức đang làm việc trong ngành Nông nghiệp xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan của Bộ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, mặt trận, các tổ chức đoàn thể. Cảm ơn sự hợp tác giúp đỡ đầy tình nghĩa và trách nhiệm của các Sở, ngành, các đoàn thể, các cấp từ tỉnh đến cơ sở, cám ơn sự hợp tác giúp đỡ của các cơ quan doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cám ơn sự quan tâm, cổ vũ, động viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh nhà.

Toàn ngành trân trọng và ghi nhớ công lao của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ công chức qua các thời kỳ. Kính mong các đồng chí tiếp tục theo dõi, động viên, giúp đỡ để Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ôn lại truyền thống của Ngành, thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức hôm nay nguyện phấna đấu quyết liệt hơn nữa để góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội do Đảng lãnh đạo, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn Bắc Ninh có nhiều khởi sắc và phát triển bền vững.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: BBN