Ứng dụng Công nghệ tạo đột phá năng suất và chất lượng nông sản

22/11/2022 15:35 Số lượt xem: 160

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất đã giúp nhiều hội viên nông dân tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi gà đẻ kết hợp lò ấp trứng của gia đình,  chị Bùi Thị Mai, thôn Trung Thành (xã Đại Lai, huyện Gia Bình) cho biết: “Về làm dâu ở gia đình có nghề ấp trứng gà và bán con giống nên tôi cũng theo gia đình phát triển nghề này. Ban đầu, tôi thu mua trứng và ấp thủ công, phương pháp này tốn thời gian, công sức, mà hiệu quả không cao vì số trứng hỏng nhiều, gà giống không bảo đảm về chất lượng. Năm 2019, biết đến công nghệ thụ tinh nhân tạo (của Viện Chăn nuôi) giúp giảm số gà trống sử dụng, tăng tỷ lệ phôi và tỷ lệ nở của trứng gà, giảm bớt chi phí trong chăn nuôi, tôi tìm đến thăm quan, học tập thực tế cách làm tại một số trang trại ở Bắc Giang, Hưng Yên và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật này vào mô hình của gia đình. Sau một thời gian thử nghiệm thành công, tôi quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nuôi gà đẻ kết hợp lò ấp trứng và ứng dụng một số công nghệ hiện đại vào sản xuất; quy hoạch các khu chuyên biệt gồm: khu gà giống bố, mẹ, khu nuôi gà gối vụ, kho để thức ăn, thuốc cho gà, khu đặt máy ấp trứng và hệ thống kỹ thuật điện, nước, quạt thông gió. Để đàn gà khỏe mạnh, lớn nhanh lại tiết kiệm được thức ăn, tôi chú ý tới khâu vệ sinh phòng dịch; sử dụng máy chia thức ăn cho gà, vừa nhanh lại bảo đảm lượng thức ăn vừa đủ; trang bị hệ thống theo dõi và cảnh báo thông minh trên điện thoại di động, qua đó biết được nhiệt độ, sự cố mất điện từ xa và có biện pháp khắc phục...”.

          Mô hình của chị Mai đang nuôi khoảng 4,5 nghìn con gà đẻ và 2 lò ấp, nở trứng hiện đại. Mỗi tháng xuất chuồng gần 5 vạn gà giống cung ứng khắp trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm ổn định cho 4-6 lao động.

 

http://baobacninh.com.vn/documents/20182/1426444/8.jpg/6bfaf765-3045-401f-a3c3-d591e0b69030?t=1669084703064

HTX Thủy sản Thái Sơn (xã Trung Chính, huyện Lương Tài) ứng dụng công nghệ sản xuất cá giống bằng bình vây cho hiệu quả cao. 

          Tương tự, HTX Thủy sản Thái Sơn (xã Trung Chính, huyện Lương Tài) mạnh dạn áp dụng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây trong sản xuất cá chép giống thay cho phương pháp truyền thống cho hiệu quả thiết thực. Ông Trần Đình Sơn, Giám đốc HTX chia sẻ: “Đây là năm thứ hai HTX ứng dụng công nghệ sản xuất cá giống bằng bình vây cho 300 cặp cá chép bố mẹ. Sau 3 vụ triển khai đem lại hiệu quả gấp hơn 3 lần, cho sản lượng 45 triệu cá bột/năm thay vì 12,5 triệu cá bột/năm (trước đây). Nếu áp dụng theo công nghệ cũ, cho cá đẻ qua giá thể thì mỗi lần đó thất thoát 1 bể khoảng 2-3 kg trứng, khi áp dụng công nghệ mới thì giảm thiểu đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 200 gam-300 gam trứng bị thất thoát. Hơn nữa, trước kia, để sản xuất cá giống, HTX phải đầu tư 3 bể riêng biệt với diện tích khoảng 9m2 gồm bể cá bố mẹ, bể đẻ và bể ấp. Nay áp dụng phương pháp ấp trứng bằng bình vây, chỉ cần 2 bể cá bố, cá mẹ và một bình vây. Qua thực tế triển khai, phương pháp này có chi phí đầu tư không quá cao, việc lắp đặt cũng thuận tiện, dễ dàng.

          Không chỉ tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chị Trần Thị Trang ở thôn Thượng (xã Cảnh Hưng, Tiên Du) còn quan tâm đến việc đổi mới và nâng cao tính thẩm mỹ cho bao bì, nhãn mác của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử như zalo, facebook, Shopee, sàn thương mại điện tử Bắc Ninh… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ vậy, sau 5 năm khởi nghiệp với mô hình trồng dưa và măng tây xanh trong nhà lưới giúp chị có được những thành công nhất định và thu được lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm từ mô hình.

          Dù mới chỉ dừng ở mức sử dụng ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp bắt đầu “lộ diện” ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xác định muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thành công phải bắt đầu từ người nông dân. Bởi vậy, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho nông dân những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy; tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn chuyển đổi số; ký kết với Bưu điện tỉnh triển khai Kế hoạch phối hợp, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa năm 2022. Theo đó, sẽ thu thập thông tin của hơn 18.000 hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đưa 300 sản phẩm nông sản hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn và qua hệ thống điểm bán hàng của Hội Nông dân tỉnh, kênh bán hàng tại 126 điểm Bưu cục, Bưu điện - Văn hóa xã của ngành Bưu điện… Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh còn phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, từ đó lựa chọn được những nông dân xuất sắc sẽ là những người dẫn dắt để hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số… Qua đó, nhiều nông dân đã chủ động đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần hình thành nên những người nông dân chuyên nghiệp.

          Dù đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của nông dân vẫn còn sơ khai. Bởi “rào cản” lớn nhất vẫn là làm sao để thay đổi được tư duy của nông dân sản xuất theo hướng hiện đại... Bởi vậy, để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa. Cùng với đó, nông dân phải tích cực chủ động học hỏi để bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, nhất là việc chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản…

Quang Minh
Nguồn: Báo Bắc Ninh