THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BẮC NINH; GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

08/11/2022 10:56 Số lượt xem: 234

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Điều 30, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội.

I. Thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn 2017-2022:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Sở Kế hoạch và Đầu tư  quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, ban hành quy chế giải quyết, cụ thể như: công khai số điện thoại đường dây nóng (Giám đốc, các Phó Giám đốc) và hộp thư góp ý để công dân, các đơn vị tổ chức thực hiện việc góp ý cũng như phản ánh những mặt tích cực, hạn chế của cán bộ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ; xây dựng và niêm yết công khai Lịch tiếp công dân hàng năm; bố trí Phòng tiếp công dân với các trang thiết bị, kỹ thuật cho công tác tiếp công dân và 01 cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị gửi đến Sở;

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; không để vụ việc nào tồn đọng, bức xúc, kéo dài; không có đoàn đông người, chủ yếu là cá nhân đến trao đổi, tìm hiểu về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo:

 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị, tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư. Tập trung giải quyết dứt điểm những đơn thư kiến nghị phản ánh, KNTC của người dân, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Phòng, đơn vị; Tăng cường phối hợp giữa các Phòng, đơn vị thuộc Sở trong hoạt động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện giải quyết đơn thư, KNTC; Tuyên truyền giải thích cho người dân, doanh nghiệp về các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết đơn và tiếp công dân; Theo dõi, đôn đốc các đối tượng vi phạm thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định; Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn và tổng hợp kết quả giải quyết phù hợp, kịp thời; Đảm bảo công tác giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh thực hiện có hiệu quả, hiệu lực cao; Thực hiện công khai, minh bạch và áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết KNTC, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, dân chủ trong các Phòng, đơn vị thuộc Sở.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân,
khiếu nại, tố cáo: Thực hiện thông tin, tuyên truyền về pháp luật tiếp công dân,
khiếu nại, tố cáo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua các hình thức cụ thể như: Đăng tải trên hệ thống phần mềm quản lý và điều hành văn bản của Sở, trang thông tin điện tử tổng hợp của Sở (Website); tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, sinh hoạt chính trị, họp giao ban, họp chi bộ, họp phòng…Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực quản lý của ngành.

Nghiêm túc thực hiện việc tiếp dân thường xuyên theo quy định; chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình khiếu nại, tố cáo để giải quyết kịp thời đúng quy định;

Đơn vị Thanh tra Sở có chức năng nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.Thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ; Đồng thời đổi mới phương pháp tiếp công dân, gắn tiếp công dân với kiểm tra, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường công tác đối thoại với công dân.

Phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân: Thanh tra Sở tham mưu cho Giám đốc Sở, phối hợp với các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở thụ lý, xem xét giải quyết đơn thư đúng pháp luật, đảm bảo về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết, chất lượng và nội dung giải quyết sự việc ngày càng được nâng cao, nhiều vụ việc công dân đã chấm dứt việc tiếp khiếu, tiếp tố sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc chuyển đơn thư, hướng dẫn công dân gửi đến đúng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, khắc phục tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Thanh tra Sở đã giúp Giám đốc Sở đôn đốc các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo khi được giao. Chánh Thanh tra Sở chịu trách nhiệm tham mưu giúp Giám đốc Sở trong việc chỉ đạo điều hành và xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

Kết quả đạt được trong giai đoạn 2017-2022:

*Về tiếp công dân: không có đoàn đông người, chủ yếu là cá nhân đến trao đổi về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư …;

*Về tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo:

Trong thời gian từ 1/1/2016 đến 30/10/2022 số đơn thư tiếp nhận là 63 đơn (trong đó phần lớn là đơn kiến nghị phản ánh); Số đơn thuộc thẩm quyền giải  quyền giải quyết của Sở là 27 đơn (trong đó: 25 đơn kiến nghị, phản ánh; 02 đơn khiếu nại). Đơn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đấu thầu...

Đối với các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, đã chủ động liên hệ, làm việc với các bên có liên quan để giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục đúng quy định. Đối với các đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết đã chuyển đơn đồng thời hướng dẫn nguyên đơn liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.Do đó, đã kịp thời giải quyết dứt điểm các kiến nghị, phản ánh; không có đơn thư tồn đọng và phát sinh chưa được giải quyết; không để xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo
phức tạp, tồn đọng kéo dài.

Khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Hiện nay, số lượng cán bộ thanh tra Sở còn hạn chế (06 người) và phải thường xuyên tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra; tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và kiêm nhiệm thêm chức năng, nhiệm vụ của văn phòng Sở. Do đó, việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn gặp những khó khăn nhất định.

II. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư:

Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh Sở, Lãnh đạo Sở cần quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Sở, khi phát sinh đơn khiếu nại cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi tiến độ tham mưu giải quyết, yêu cầu can bộ báo cáo kết quả giải quyết kịp thời theo đúng thời hạn quy định. Cần xem xét, phân tích, đánh giá việc khiếu nại có cơ sở hay không? Quá trình ký quyết định giải quyết khiếu nại cần kiểm tra cẩn thận, trường hợp phát hiện quyết định giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo hình thức, không đầy đủ nội dung, không phân tích, lập luận để chấp nhận hay bác bỏ thì phải yêu cầu cán bộ chỉnh sửa nghiêm túc mới được ban hành. Lãnh đạo đơn vị cần quan tâm, coi trọng công tác giải quyết khiếu nại để đề ra biện pháp lãnh đạo hiệu quả, thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ làm công tác này để giúp họ an tâm, cống hiến.

Thứ hai, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ  được phân công tham mưu trong công tác giải quyết khiếu nại phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác giải quyết khiếu nại; cần có nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của công tác này cũng như tác hại của việc ban hành quyết định giải quyết không đúng nội dung hoặc hình thức. Từ việc đề cao tinh thần trách nhiệm và sự nhận thức đúng sẽ giúp cho cán bộ sẽ thận trọng trong quá trình thu thập tài liệu, nghiên cứu hồ sơ và báo cáo kết quả giải quyết cho lãnh đạo. Thực tiễn cho thấy, nếu trong bất kỳ công việc nào chúng ta tâm huyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, tận tuỵ, vô tư, công tâm, khách quan trong công việc thì kết quả mang lại sẽ có chất lượng, ngược lại nếu chúng ta thực hiện nhiệm vụ một cách tắc trách, thiếu thận trọng, không kiểm tra kỹ thì sẽ dẫn đến xảy ra sai sót, thậm chí là những sai sót không đáng có.

Thứ ba, cần có sự nhận thức đầy đủ, đúng pháp luật về thẩm quyền, quy trình, nội dung giải quyết. Công tác giải quyết khiếu nại không phát sinh thường xuyên do vậy cán bộ không thường thực hiện các thao tác nghiệp vụ như các lĩnh vực công tác khác. Vì không làm thường xuyên nên nếu trước khi thực hiện chúng ta không nghiên cứu lại các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết khiếu nại thì dễ dẫn đến sai sót trong việc xác định thẩm quyền, quy trình giải quyết. Do vậy, trước khi tiến hành giải quyết, mỗi cán bộ cần nghiên cứu lại từng điều luật cụ thể để xác định đúng các bước cần phải tiến hành, tránh sai sót trong việc áp dụng pháp luật./.

TTra.

 
 

Thống kê truy cập

Online : 7181
Đã truy cập : 87547180