TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP; TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2023

06/02/2023 07:38 Số lượt xem: 368

I. Về triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kì, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Trong nước, nền kinh tế chịu sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng; thị trường xuất, nhập khẩu lớn bị thu hẹp; khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Với quyết tâm cao trong lãnh chỉ đạo và điều hành, căn cứ vào các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cùng với cả nước, Bắc Ninh thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững; tiếp tục kiểm soát tốt các dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, tiến gần đến các mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong tháng 01 năm 2023, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/01/2022 về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Chương trình hành động số 18/CTr-UBND ngày 18/01/2023 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cả thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 cùng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực.

II. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2023

1. Sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn

1.1. Sản xuất nông nghiệp

* Trồng trọt: Đến ngày 17/01/2023, toàn tình cày ải được 25.994,8 ha; cung ứng được 227,76 tấn giống lúa các loại. Diện tích mạ xuân là 273,8 ha tập trung tại thành phố Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Yên Phong.

Diện tích rau màu vụ xuân 462 ha, đạt 14% kế hoạch và bằng 66,9% so với cùng kỳ. Trong đó: khoai tây xuân 236 ha, ngô 50 ha, rau các loại 164 ha.

* Chăn nuôi: toàn tỉnh có 3.330 con trâu, tăng 18,1% so với cùng kỳ; 24.000 con bò, giảm 5,2%; 280.000 con lợn, bằng cùng kỳ; đàn gia cầm: 6,1 triệu con, tăng 1,7%.

* Công tác thú y: Trong tháng qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi và đàn thủy sản. Tổ chức triển khai thực hiện tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm: toàn tỉnh tiêm được 9.190 liều vắc xin các loại cho đàn lợn; 460.000 liều vắc xin các loại cho đàn gia cầm; 30 liều vắc xin Dại cho đàn chó, mèo. Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường với 186 lít hóa chất được sử dụng.

1.2. Lâm nghiệp

Đảm bảo lực lượng trực PCCC rừng 24/24 vào các đợt hanh khô. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đúng quy định của pháp luật các vụ xâm hại trái phép vào rừng và đất lâm nghiệp. Trong tháng, phát hiện và xử lý 01 vụ vi phạm, phạt hành chính 7 triệu đồng.

1.3. Thuỷ sản

Diện tích ước đạt 4.787 ha, đạt 99,1% so cùng kỳ năm 2022; số lượng lồng nuôi trên sông ước đạt 2.485 lồng, tăng 3,2%. Tổng sản lượng thủy sản tháng 01/2023 ước đạt 4.717,1 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh ước đạt sản xuất được đạt 2,3 triệu con giống các loại.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Tháng 01/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,85% so với tháng trước và giảm 2,5% so với tháng 01/2022; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,9% và giảm 2,6%.

2.2. Sản phẩm công nghiệp 

Trong tháng, các sản phẩm có lượng sản xuất tăng so với tháng trước như: đồng hồ thông minh tăng 43,2%; điện thoại thông minh tăng 1,7 lần; linh kiện tử tăng 13,4%... So với cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm tăng như: bê tông tươi tăng 1,7 lần; điện thoại di động thường tăng 22%; đồng hồ thông minh tăng 8,8%; linh kiện điện tử tăng 5,8%...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động tháng 01/2023 giảm 1,4% so với tháng trước và giảm 9,6% so với tháng 01/2022 do mức sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh tại khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm: khu vực Nhà nước tăng 0,15% và tăng 4%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,07% và giảm 15,5%; khu vực FDI giảm 1,6% và giảm 9%.

3. Hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất, nhập khẩu hàng hóa

3.1. Lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ

Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn sôi động, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ đón Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01/2023 ước 8.433 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 30,8% so với tháng 01/2022; trong đó: tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước 6,748.4 tỷ đồng tăng 5,3% và tăng 33%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống ước 768.3 tỷ đồng, tăng 5,3% và tăng 37,6%; doanh thu dịch vụ 909.7 tỷ đồng, tăng 5,6% và tăng 11,7%.

3.2. Xuất, nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/20223 ước 3.276 triệu USD, tăng 18% so với tháng trước và giảm 14,5% so với tháng 01/2022. Nhập khẩu ước 2.815 triệu USD, tăng 15% so với tháng trước và giảm 24% so với tháng 01/2022.

3.3. Giao thông vận tải

Vận tải hành khách: tháng 01/2023 vận chuyển hành khách ước 1,5 triệu lượt khách, giảm 8,2% so với tháng trước nhưng tăng 45,5% so với tháng 01/2022; luân chuyển ước 55,2 triệu HK.km, giảm 7,8% và tăng 21,5%. Doanh thu ước 951,3 tỷ đồng, giảm 4% so với tháng trước nhưng tăng 14,1%

Vận tải hàng hóa: tháng 01/2023 vận chuyển hàng hóa ước 4 triệu tấn, giảm 8% so với tháng trước nhưng tăng 18,1% so với tháng 01/2022; luân chuyển ước 225 triệu tấn.km, giảm 10% và tăng 18,6%. Doanh thu ước 78,5 tỷ đồng, giảm 7,4% và tăng 33,8%.

4. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Đầu tư trong nước: tháng 01/2023, toàn tỉnh cấp mới 03 dự án với tổng số vốn đầu tư  285 tỷ đồng; cấp điều chỉnh vốn 03 dự án với tổng số vốn điều chỉnh giảm 683,6 tỷ đồng. Lũy kế, đã cấp 1.547 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 252.834,2 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài: tỉnh cấp mới 20 dự án, tổng vốn đăng ký 123,06 triệu USD; điều chỉnh vốn 16 dự án với số vốn điều chỉnh tăng 69,33 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 02 lượt với giá trị 0,94 triệu USD. Lũy kế, đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.835 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 23.548,4 triệu USD.

Phát triển doanh nghiệp: thành lập mới 236 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là: 3.272,733 tỷ đồng và 73 đơn vị trực thuộc. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19.626 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 350.187,8 tỷ đồng và 4.950 đơn vị trực thuộc; trong đó có 18.064 doanh nghiệp với tổng vốn 339.262,343 tỷ đồng và 4.733 đơn vị trực thuộc.

5. Thu - chi ngân sách và hoạt động ngân hàng

5.1. Thu - chi ngân sách

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 01 ước 4.910 tỷ đồng, tăng 29,5% so với tháng 01/2022; trong đó, thu nội địa ước 4.260 tỷ đồng, tăng 40%. Chi ngân sách địa phương ước 1.438 tỷ đồng, tăng 13,5% so với tháng 01/2022; trong đó chi đầu tư phát triển ước 500 tỷ đồng, giảm 1,7%.

5.2. Hoạt động ngân hàng

Trong tháng, các ngân hàng chủ động triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế. Ước đến hết tháng 01, tổng nguồn vốn huy động đạt 224.800 tỷ đồng, tăng 0,16% so với cuối năm 2022. Công tác cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp, người dân được triển khai tích cực ngay từ đầu năm, tổng dư nợ cho vay ước 147.500 tỷ đồng, tăng 1,3%; nợ xấu ước 1.900 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ.

6. Công tác quản lý đầu tư công và quy hoạch xây dựng

Tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023 đảm bảo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo hướng để hoàn thành chủ đề công tác và quyết tâm chính trị của năm: Hỗ trợ đầu tư có mục tiêu cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí phát triển đô thị; đấu giá quyền sử dụng đất. Tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng, xử lý môi trường, dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh có sức lan tỏa, tạo không gian, dư địa, dẫn dắt đầu tư xã hội, tạo nền tảng phát triển cho tỉnh và các địa phương như: Cầu Kênh Vàng, đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh); đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối Thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3 mới; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2 và đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Bệnh viện sản nhi mở rộng, các tuyến đường kết nối các khu công nghiệp tập trung; hệ thống thu gom và xử lý nước thải... Đồng thời, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023 thực chất, hiệu quả cao.

Đẩy nhanh tiến độ công tác lấy ý kiến thẩm định đối với hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tích cực rà soát, hoàn thiện nội dung Quy hoạch tỉnh trên cơ sở các ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và ủy viên phản biện; chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ cho việc tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh trong thời gian sớm nhất.

7. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, đất đai; lập Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2025; tích hợp quy hoạch sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Tiên Du; giải quyết các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, lấn, chiếm đất đai; tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư lớn, công trình trọng điểm. Trong tháng, cấp 533 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biện pháp bảo đảm cho 3.584 trường hợp.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025. Tiến hành làm việc với các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê và Phú Lâm; thực hiện nghiêm công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản.

8. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội

8.1. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão - 2023 gắn với Festival “Về miền Quan họ - 2023”: Chương trình nghệ thuật “Bắc Ninh chào năm mới - 2023”; chương trình Đón Giao thừa Xuân Quý Mão - 2023; phối hợp lập Hồ sơ “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ an toàn an ninh trật tự và bình ổn giá trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão, Lễ hội Xuân 2023. Doanh thu du lịch tháng 01/2023 ước 62 tỷ đồng, 24% so với cùng kỳ năm 2022; tổng lượt khách ước 100.000 lượt, tăng 25%.

Tổ chức gặp mặt khen thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Tham gia thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Đoàn thể thao tỉnh Bắc Ninh đã đạt tổng số 57 huy chương, vượt so Đại hội trước 27 huy chương; xếp thứ 16 toàn quốc; tăng 10 huy chương Vàng và tăng 13 bậc xếp hạng so kỳ Đại hội trước.

          8.2. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo

Phối hợp với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh trong việc quản lý và bàn giao học sinh, sinh viên về nghỉ Tết. Tổ chức cho học sinh, sinh viên vệ sinh trường, lớp sạch sẽ, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, khu di tích lịch sử, văn hóa cách mạng; tham gia “Tết trồng cây” đầu xuân tại địa phương. Chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện nghiêm các quy định về công tác quản lý, quản trị trường học; duy trì nền nếp dạy, học sau thời gian nghỉ Tết trong cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên; tổ chức và triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục, hoạt động chuyên môn, các hình thức dạy học dạy học phù hợp với đối tượng học sinh.

8.3. Sự nghiệp Y tế

Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão (dịch sốt xuất huyết, cúm A, đậu mùa khỉ, chân tay miệng, bệnh do vi rút Adeno,…); xây dựng Kế hoạch Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023. Duy trì tốt và đảm bảo hiệu quả, an toàn công tác tiêm chủng mở rộng; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho các lứa tuổi.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chỉ đạo các đơn vị y tế khám, chữa bệnh thực hiện sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý, tránh lãng phí; tăng cường công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão. Duy trì công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 126/126 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tiếp tục triển khai công tác khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế, mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

8.4. Công tác quản lý về an toàn thực phẩm

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 thông qua các phương tiện truyền thông, các kênh báo, đài, các trang mạng xã hội. Thành lập các Đội Điều tra ngộ độc thực phẩm phản ứng nhanh sẵn sàng ứng phó với các sự cố về an toàn thực phẩm. Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

8.5. Công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội

Tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo đảm tất cả trẻ em đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho người dân. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ, chăm lo người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, bảo trợ xã hội và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả: bàn giao 30.997 suất quà hiện vật để tặng cho các đối tượng ở địa phương; tổng số lượt đối tượng được nhận quà của Chủ tịch nước và của UBND tỉnh là 57.791 người, với tổng kinh phí 54,5 tỷ đồng.

Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán.

8.6. Hoạt động khoa học và công nghệ

Hoạt động khoa học và công nghệ trong tháng được triển khai bảo đảm kế hoạch. Các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đang được triển khai đúng tiến độ. Hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ tiếp tục được duy trì (trong tháng đã thẩm định và cấp 03 giấy phép tiến hành công việc bức xạ, 01 chứng chỉ cho nhân viên bức xạ; tư vấn, hướng dẫn 05 đơn vị lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp; tiếp nhận và giải quyết 18 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu kiểm định hiệu chuẩn 241 phương tiện đo các loại; kiểm nghiệm, thử nghiệm 71 mẫu sản phẩm hàng hóa…). Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ được cập nhật thường xuyên nhằm tuyên truyền, phổ biến các thành tựu về khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.

9. Công tác nội chính

9.1. Công tác Nội vụ

Ban hành Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023; tự đánh giá, chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính (par index) năm 2022; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Tập trung thực hiện rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trên địa bàn tỉnh, duy trì và thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. 

Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được quan tâm chỉ; các cơ quan, đơn vị thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phân cấp của tỉnh, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tiếp tục đẩy mạnh chủ trương về tinh giản biên chế.

9.2. Công tác Tư pháp

Công tác tư pháp được triển khai toàn diện, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Công tác triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành thực hiện kịp thời, đặc biệt là đối với những luật mới có hiệu lực thi hành. Việc triển khai văn bản pháp luật gắn với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Các hoạt động bổ trợ tư pháp, công chứng, chứng thực, hộ tịch đi vào nề nếp theo quy định.

9.3. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Tháng 01/2023, toàn tỉnh đã thực hiện 32 cuộc thanh, kiểm tra tại 74 đơn vị, doanh nghiệp; kiến nghị xử lý về kinh tế 351,364 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 98 triệu đồng, tịch thu 1,628 m3 gỗ Giáng hương xẻ sung quỹ nhà nước. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp 285 lượt công dân, tiếp nhận 294 đơn thư các loại; chủ động rà soát các vụ việc tồn đọng, đông người, tập trung giải quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp.

9.4 Công tác quốc phòng an ninh

Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, kiểm soát quân sự đảm bảo an toàn; nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý không để bị động bất ngờ. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền kết quả QS-QPĐP, tuyển quân năm 2023. Bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

An ninh chính trị được giữ vững ổn định; chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn hoạt động của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc tại Bắc Ninh. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp làm giảm tội phạm trên địa bàn; nhanh chóng đấu tranh, làm rõ những vụ trọng án, vụ án lớn được dư luận quan tâm. Kết quả: Phạm pháp hình sự 43 vụ, giảm 29 vụ so với tháng trước; phạm tội về ma túy 109 vụ, bắt giữ 155 đối tượng, tăng 68 vụ, 95 đối tượng; phát hiện 100 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tăng 82 vụ. Tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông: trên địa bàn xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông, làm 01 người chết, giảm 13 vụ, giảm 09 người chết. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ: xảy ra 03 vụ cháy, giảm 02 vụ.

IV. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện trong những tháng tiếp theo năm 2023

1. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cả thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/01/2022 của UBND tỉnh; Chương trình hành động số 18/CTr-UBND ngày 18/01/2022 của UBND tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh số 306/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và số 175/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2023; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

2. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; huy động mọi nguồn lực, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thu hút và phát triển mạnh công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, chú trọng phát triển, thu hút các nhà đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ logistics... Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, quản lý tốt các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa thu ngân sách.

3. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; rà soát, cân đối nguồn vốn kế hoạch trung hạn và năm 2023; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, rà soát, đề nghị Bộ Y tế báo cáo cấp có thẩm quyền sớm thông báo danh mục và mức vốn hỗ trợ các dự án lĩnh vực y tế; yêu cầu chủ đầu tư dự án thuộc lĩnh vực giáo dục khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để được phân bổ vốn kế hoạch năm, chủ đầu tư dự án giao thông lập chi tiết kế hoạch thực hiện dự án theo tháng, quý, năm. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn của Chương trình trong năm 2023 theo quy định.

4. Đôn đốc các địa phương tiếp tục tập trung cày ải, làm thủy lợi và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ xuân 2023; chủ động các phương án đảm bảo đủ nguồn nước tưới dưỡng cho cây trồng vụ xuân. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và đàn thủy sản, đặc biệt đối với bệnh dịch tả lợi châu Phi. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các hạt quản lý đê bám tuyến ngăn chặn và xử lý vi phạm Luật Đê điều; đồng thời theo dõi sát các công trình phòng chống thiên tai để kịp thời đề xuất các biện pháp tu bổ, sửa chữa.

5. Khẩn trương lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2025 trình duyệt theo quy định. Đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025. Đẩy nhanh việc xử lý xỉ thải tồn đọng tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong.  Đôn đốc các Nhà đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ được phê duyệt.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Chuẩn bị chu đáo và tổ chức hiệu quả các lễ hội lớn đầu Xuân 2023 của tỉnh như: Tổ chức chương trình Festival “Về miền Quan họ” năm 2023 - Kết nối di sản văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc với các địa phương trong và ngoài nước; chương trình nghệ thuật Đón giao thừa - Xuân Quý Mão; Lễ hội vùng Lim; Lễ hội làng Quan họ Diềm Xá... Chuẩn bị công tác tổ chức các giải, hoạt động thể thao tại Festival Bắc Ninh 2023: Giải Quần vợt đồng đội nam quốc tế Davis Cup vòng Play-offs nhóm II thế giới năm 2023; Vòng 1 Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023.

7. Nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học học kỳ II năm học 2022-2023. Đẩy mạnh bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi và tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học và ngày hội STEM dành cho học sinh tiểu học năm học 2022-2023. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh các cấp học.

8. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm. Tổ chức các hoạt động chào mừng 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023.

9. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vừng và chăm lo đời sống người lao động.

10. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đưa nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ các lĩnh vực sản xuất và đời sống; tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

11. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị - xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Quyết liệt đấu tranh, trấn áp, truy nã tội phạm; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

12. Tập trung nghiên cứu, triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định mới của Trung ương liên quan đến phát triển toàn diện các lĩnh vực gắn với các điều kiện cụ thể của tỉnh một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh trân trọng báo cáo./.

P. THQH

 
 

Thống kê truy cập

Online : 2612
Đã truy cập : 113487422